Người Việt ngày càng chú trọng tiếng Anh
Tổng giám đốc điều hành Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge nhận xét việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang cải thiện, nhất là với các em nhỏ.
Bà Francesca Woodward, Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge (Cambridge Assessment English), trực thuộc Đại học Cambridge chia sẻ về việc giảng dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.
- Bà có thể đánh giá về việc học tiếng Anh ở Việt Nam ở hiện nay?
- Việc học tiếng Anh ở Việt Nam đang được cải thiện hơn lúc nào hết, đặc biệt là với những học sinh nhỏ tuổi học tiếng Anh như một môn học chính - các em sẽ tốt nghiệp với trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với thế hệ trước. Việc học tiếng Anh cũng cải thiện ở cấp cao hơn khi sinh viên chuyên ngành tiếng Anh có nhiều cơ hội tiếp cận tài liệu tốt, phong phú cũng như cơ hội sử dụng ngôn ngữ thực tế.
Có thể một số học sinh vẫn coi tiếng Anh như một môn học bình thường mà họ phải vượt qua để được nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng tôi cho rằng điều này sẽ sớm thay đổi và biến mất ở Việt Nam. Tôi tin rằng không lâu nữa, chúng ta sẽ ngạc nhiên bởi thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ thành thạo các kỹ năng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Ngày 8/10 tại Đà Nẵng, tôi có đến dự cuộc thi Cambridge Got Talent và nhận thấy các em rất giỏi, không chỉ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp mà còn như một công cụ mở rộng vốn hiểu biết của mình về thế giới.
|
Bà Francesca Woodward - Tổng giám đốc điều hành của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Cambridge. |
- Theo bà, làm thế nào khơi gợi hứng thú học ngoại ngữ ở các em?
- Việc học tiếng Anh được thực hiện càng sớm càng tốt, bởi trẻ nhỏ rất dễ tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, với lứa tuổi nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn con học tiếng Anh theo cách tự nhiên thông qua các trò chơi và hoạt động thay vì bắt chúng phải học nhiều. Điều quan trọng nhất là để trẻ thích học, vì vậy không nên để trẻ làm bài kiểm tra khi các em chưa sẵn sàng hay chưa có đủ kỹ năng, sự tự tin để làm tốt.
Điểm khác biệt của các kỳ thi tiếng Anh Cambridge là được thiết kế và phát triển để tạo động lực, khơi gợi hứng thú cho trẻ em từ khi còn nhỏ đến tuổi thiếu niên, cả khi trưởng thành. Các bài thi kiểm tra 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và gắn học tập với đời sống thực tế. Tất cả bài kiểm tra đều được liên hệ đến Khung tham chiếu Trình độ Ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) - tiêu chuẩn quốc tế mô tả năng lực ngôn ngữ, giúp phụ huynh dễ nhận thấy sự tiến bộ của con, nhà tuyển dụng cũng như tổ chức giáo dục đánh giá khả năng khi các em ra trường.
- Cụ thể hơn, việc học chứng chỉ tiếng Anh Cambridge có lợi thế gì cho người học?
- Công việc chính của chúng tôi là xây dựng và tổ chức các kỳ thi tiếng Anh với hơn 5,5 triệu người tại hơn 130 quốc gia tham dự mỗi năm. Tại Việt Nam, hàng trăm nghìn học sinh các trường phổ thông đã tham gia kỳ thi tiếng Anh Cambridge kể từ khi các kỳ thi này được giới thiệu vào 2006.
Kỳ thi tiếng Anh Cambridge đem lại 3 lợi ích chính cho người học. Thứ nhất là phát triển kỹ năng thực tế trong đời sống và công việc hàng ngày.
Thứ hai, các kỳ thi này được xây dựng nhằm giúp người học tự tin hơn. Người học sẽ tiến bộ qua từng cấp độ, vượt qua mỗi cấp độ sẽ được cấp chứng chỉ - từ Pre-A1 Starters cho trẻ em đến C2 Proficiency dành cho người học trình độ rất cao.
Cuối cùng, các kỳ thi hỗ trợ người học trên cả con đường giáo dục lẫn sự nghiệp, minh chứng rằng người học có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh. Đó là lý do tại sao hơn 25.000 tổ chức, đại học và nhà tuyển dụng trên toàn thế giới công nhận các kỳ thi này.
- Những hoạt động nổi bật của Cambridge ở Việt Nam thời gian qua?
- Chúng tôi đã hỗ trợ đặt ra chuẩn năng lực tiếng Anh - một trong các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chúng tôi cũng giúp giới thiệu Khung tham chiếu Trình độ Ngôn ngữ chung của châu Âu (CEFR); hợp tác với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NFLP) để phổ biến rộng rãi Khung tham chiếu này.
Kể từ năm 2006, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhiều cơ quan ban ngành để tổ chức các hội thảo đào tạo giáo viên hàng năm cho 63 Sở Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam; hợp tác tổ chức các kỳ thi tiếng Anh Cambridge cho trường công lập ở mức chi phí thấp hơn.
Tháng 1 năm nay, chúng tôi đã ký Biên bản Hợp tác với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cũng như các môn học khác được dạy bằng tiếng Anh. Hiện nay đơn vị vẫn tích cực hợp tác với Đề án. Tôi nghĩ hoạt động này sẽ tạo ra một khác biệt thực sự lớn ở cấp quốc gia.
Xem tin tại link gốc: https://vnexpress.net/giao-duc/nguoi-viet-ngay-cang-chu-trong-tieng-anh-3997688.html